3 loại rau dại này ăn thì ngon nhưng cẩn thận trúng độc

ngày 03/12/2021

Có những loại rau dại ăn nhầm có thể gây hại cho cơ thể. Đặc biệt, một số loại rau dại không những không ngon mà còn rất độc.

Trong những năm gần đây, mức sống của mọi người đã có những thay đổi lớn, quan niệm về sức khỏe của người dân ngày càng trở nên cao hơn, các món rau dân giã cũng được ưa chuộng vì vừa tự nhiên, không phân bón lại bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Song, bạn có biết rằng ăn rau rừng, rau dại đúng cách rất tốt cho sức khỏe, ngược lại, ăn nhầm có thể gây hại cho cơ thể? Đặc biệt, một số loại rau dại không những không ngon mà còn rất độc.

1. Rau sam: Rau sam (còn có tên gọi Mã Xỉ Hiện) vì có lá giống hình răng ngựa, là loại rau mọc dại ở khắp nơi từ bắc đến nam. Tên khoa học là Portulaca Oleracea L thuộc họ rau sam Portulacea.

Trong Đông y, rau sam có vị chua, tính lạnh, vào 3 kinh tâm, tì, phế, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thủy, trừ thấp, cầm máu. Qua thực nghiệm, rau sam làm co nhỏ mạch máu, nước sắc của rau sam có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn lị shiga-kruse, vi khuẩn lị hình chữ Y, trực khuẩn Coli, trực khuẩn thương hàn.

Tuy nhiên, rau sam cũng không thần kỳ như người ta tung hô, nếu ăn quá thường xuyên sẽ gây chóng mặt, buồn ngủ, tiêu chảy. Đặc biệt là phụ nữ có thai, những bệnh nhân có thể tạng hư hàn, hay đi tiêu lỏng tốt nhất nên tránh kẻo mang bệnh vào người.

2. Rau dớn: Rau dớn là một loại rau thuộc bộ dương xỉ mọc dại ở nhiều vùng núi. Ngày nay được sử dụng nhiều và được xem như một loại rau đặc sản của núi rừng, đặc biệt là của vùng núi Tây Bắc.

Rau dớn rất giòn, có nhiều cách chế biến, dù trộn hay xào, luộc chấm mắm tỏi đều rất ngon. Thêm nữa, rau dớn cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, nhưng chất proto-pteridium glycoside có trong rau dớn là chất gây ung thư, đặc biệt có nhiều ở các bộ phận mềm của cây.

Nếu thường xuyên ăn nộm rau dớn sẽ dễ gây hoại tử tế bào gan, ung thư gan. Vì vậy, bạn nên ăn ít loại rau này. Trước khi ăn thì hãy nhớ ngâm rau trong nước kiềm để loại bỏ vị chát, giảm hàm lượng proto-pteridium glycoside, giảm độc hại cho cơ thể.

3. Rau tầm bóp: Rau tầm bóp tương đối phổ biến vào mùa xuân, tên khoa học là Physalis angulata. Cây có tên gọi là cây bôm bốp hay thù lù cạnh, lồng đèn, bùm bụp. Đặc điểm của tầm bóp là loại cây thân thảo, sống như loài cỏ dại trong thiên nhiên.

Nên luộc chần qua bằng nước sôi trước khi tiến hành các bước chế biến tiếp theo loại rau này, vì các hợp chất hữu cơ trong rau tầm bóp đôi khi sẽ gây ra ngộ độc, khiến bạn bị tiêu chảy nếu hệ tiêu hóa của bạn yếu.

Thêm nữa, tuy được sử dụng nhiều nhưng rất ít người phân biệt được rau tầm bóp với rau lu lu đực (một loại rau có độc) bởi hai loại rau này có nhiều đặc điểm về hình thái thân và lá khá giống nhau. Cần thật cẩn thận khi sử dụng và chế biến rau tầm bóp.

Nguồn: https://kienthuc.net.vn/doi-song/3-loai-rau-dai-nay-an-thi-ngon-nhung-can-than-trung-doc-1630831.html