Nhậu sau khi chơi thể thao
Sau trận đá bóng hoặc đơn giản là trận cầu lông, những quý ông thường có xu hướng tụ tập uống rượu, bia. Tuy nhiên theo The Conversation uống rượu bia sau khi tập luyện sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của cơ thể, khiến quá trình tập luyện trở nên vô ích.
Tiến sĩ Christopher Stevens, chuyên gia về khoa học thể thao, Đại học Southern Cross, Australia, cho biết tập luyện thể thao xong bạn thường sẽ mệt, đổ mồ hôi và đau nhức cơ bắp tạm thời. Nếu tập trong thời tiết nóng ẩm thì cơ thể càng bị dễ mất nước do quá trình tiết mồ hôi, từ dó làm giảm lượng máy và mất cân bằng chất điện giải tạm thời. Tuy nhiên cơ thể sẽ nhanh chóng sửa chữa các tổn thương và tự phục hồi. Với thanh niên khỏe mạnh, có thể chỉ mất vài giờ để thấy khỏe lại như ban đầu.
"Tuy nhiên, uống rượu bia sau khi chơi thể thao sẽ làm chậm sự phục hồi những tổn thương cơ bằng cách ức chế sự hoạt động của hormone hỗ trợ cho quá trình này", tiến sĩ Stevens nói.
Vị chuyên gia cũng lưu ý thêm, đối với các vận động viên bị chấn thương mô mềm, việc uống rượu bia ngay sau đó sẽ khiến tình trạng đau nhức trở nên tồi tệ hơn bởi rượu, bia là giãn các mạch máu và cản trở quá trình tự phục hồi của cơ thể.
Không chỉ thế bài báo này cũng chỉ ra có một nghiên cứu cho thấy khi đồ uống có chứa 4% cồn được uống sau khi tập thể dục, sẽ gây lợi tiểu và làm chậm tốc độ phục hồi của lượng máu. Điều này chỉ khiến cơ thể thêm mất nước và trở nên mệt mỏi hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra uống rượu bia sau khi tập thể thao cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Trong khi đó thiếu ngủ sẽ khiến sức mạnh cơ bắp giảm vào những buổi tập tiếp theo.
Vì vậy, sau khi tập luyện, bạn nên ăn một bữa có đủ tinh bột, protein và các chất điện giải để thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục những tổn thương cơ bắp.
Nhậu khi đói
Nhiều người cho rằng, việc ăn no trước khi uống rượu bia để giảm tình trạng nôn/ói. Tuy nhiên, suy nghĩ này thực sự sai lầm. Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, uống rượu khi đói làm lượng cồn phối hợp với dịch vị tăng khả năng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày.
Viện dinh dưỡng thông tin khi rượu đi vào cơ thể từ miệng, đến dạ dày, vào hệ thống tuần hoàn, đến não, thận, phổi và gan và đều gây ra cac nguy cơ ung thư hoặc gây bệnh tại đó. Ở dạ dày, các phân tử rượu nhỏ bé có thể ngấm qua niêm mạc dạ dày mà không cần tham gia vào quá trình tiêu hóa giống như thức ăn. Khi dạ dày trống rỗng, rượu đi thẳng vào máu. Khi dạ dày có thức ăn, đặc biệt là thức ăn có hàm lượng protein cao, tỷ lệ hấp thụ rượu bị chậm lại nhưng không dừng lại. Cacbonat trong đồ uống có thể được trộn với rượu làm tăng tốc độ hấp thụ rượu. Khi nồng độ cồn và dịch vị cao, kích thích niêm mạc tăng lên, phản ứng nôn mửa là phản xạ của cơ thể để giảm kích ứng này.
“Thường xuyên uống rượu khi đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày. Có 20% lượng rượu được hấp thu vào máu qua dạ dày và 80% (rượu còn lại) được hấp thụ vào máu từ ruột non”, Viện dinh dưỡng khẳng định.
Vì thế, Viện cũng khuyến cáo trước khi uống rượu, bia nên uống nước lọc, nước quả hoặc nước súp/súp hoặc nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
Tắm để tỉnh rượu, bia
Theo PGS.TS Phạm Văn Tiến, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103 chia sẻ với báo chí, người say rượu tuyệt đối không được tắm dù nước nóng hay lạnh. Tắm nước nóng sẽ khiến nhiệt độ tập trung trong cơ thể không thoát ra ngoài, khiến cho tình trạng say trở nên nghiêm trọng hơn, gây buồn nôn, thậm chí đau đầu, chóng mặt, choáng váng. Ngoài ra tắm nước lạnh không những không làm tỉnh rượu mà còn khiến mạch máu co rút, dễ dẫn đến cảm lạnh, thậm chí vỡ mạch máu, gây mất ý thức.