3 chấn thương hay gặp ở môn thể thao đối kháng và cách khắc phục

ngày 09/05/2022

Một trong những điều mà các vận động viên lo ngại nhất là chấn thương. Chấn thương trong khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao có thể cấp tính hay mạn tính. Các môn thể thao đối kháng hay xảy ra chấn thương nhất.

3 trong số các chấn thương mà các vận động viên, người chơi thể thao đối kháng hay gặp nhất là:

Trật khớp,
Gãy xương đòn,
Đứt dây chằng đầu gối.

1. Thế nào là thể thao đối kháng?

Thể thao đối kháng là nhóm những môn thể thao mang tính chiến đấu trực tiếp, "một chọi một". Họ thường thi đấu bằng các bộ phận cơ thể như tay, chân, đầu hoặc thân mình mà không dùng hoặc dùng rất ít thiết bị và phụ kiện hỗ trợ.

Các môn thể thao đối kháng phổ biến ngày nay thường là các môn võ thuật, vật, đấu kiếm, quyền anh, kickboxing, Muay Thái, sumo… Các môn như quần vợt, cầu lông, bóng bàn, đá bóng, bóng bầu dục cũng mang tính chất đối kháng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chấn thương đầu gối. Ảnh minh họa

2. Các chấn thương thường gặp khi chơi môn thể thao đối kháng2.1. Đứt dây chằng đầu gối

Đầu gối là một khớp bản lề được kết nối bởi bốn dây chằng. Trong đó, dây chằng là một cấu trúc quan trọng giúp giữ các xương lại với nhau và kiểm soát cử động của khớp.

Đứt dây chằng đầu gối là tình trạng dây chằng đầu gối bị chấn thương với rất nhiều nguyên nhân đó là: chuyển động xoay hoặc cắt đột ngột, nhận một cú đánh trực tiếp vào đầu gối hoặc va chạm, như trong một pha tranh bóng, rơi đột ngột ở một cú nhảy…. Điều này thường gặp ở các môn thể thao có tính đối kháng như bóng đá, bóng rổ, võ thuật…. ở cả những vận động viên chuyên nghiệp hay nghiệp dư.

Đứt dây chằng có nhiều loại: dây chằng chéo trước, chéo sau, đứt dây chằng bên ngoài, đứt dây chằng bên trong. Khi dây chằng gối bị đứt bạn cảm thấy:

Đau đớn, gặp khó khăn khi đứng hoặc chèn ép ở đầu gối của chân bị đau.
Sưng tấy đầu gối ngay sau khi chấn thương
Di chuyển khó khăn ở vị trí chấn thương, thậm chí còn có cảm giác đầu gối bị lỏng lẻo.

Những chấn thương liên quan đến đứt dây chằng đầu gối tác động đến các hoạt động bình thường của khớp gối, ảnh hưởng đến sinh hoạt và tập luyện và đặc biệt hơn là gặp các biến chứng, đó là:

Viêm xương khớp ở đầu gối.
Teo cơ đùi vì không vận động trong thời gian điều trị.
Chân đi khập khiễng do mâm chày bị xô lệch, khó khăn khi đi lại.
Rách sụn chêm
Thoái hóa khớp gối.

Tình trạng sưng và đau do đứt dây chằng gối gây ra thường sẽ giảm sau vài tuần. Trong một số trường hợp, người bệnh vẫn có thể đi lại bình thường mặc dù dây chằng bị đứt. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ đưa ra các phương pháo điều trị như uống thuốc, vật lý trị liệu, nẹp hay phẫu thuật.

2.2. Gãy xương đòn (xương quai xanh)

Xương đòn gồm hai xương nằm giữa lồng ngực và bả vai kết nối với cánh tay. Xương đòn có tác dụng như một thanh chống, giằng giữa thân mình và khớp vai, cho phép khớp vai hoạt động với cường độ tối ưu. Xương đòn cũng có chức năng bảo vệ các cấu trúc quan trọng phía dưới như bó mạch dưới đòn, đám rối cánh tay, phổi,…

Gãy xương đòn có 3 loại: Gãy thân xương đòn; Gãy đầu ngoài xương đòn; Gãy đầu trong xương đòn. Trong đó, gãy đầu trong xương đòn tuy hiếm gặp nhất nhưng lại mang tới những biến chứng nghiêm trọng do đầu gãy dễ chọc vào các cấu trúc trong trung thất và bó mạch dưới đòn và đám rối cánh tay, dẫn tới nguy cơ liệt cánh tay nếu không được phẫu thuật.

Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn là do ngã chống tay, phần vai va chạm mạnh trực tiếp gây gãy hoặc gián tiếp gãy trong tư thế duỗi khuỷu, dạng vai. Gãy xương đòn tương đối phổ biến trong những môn thể thao dễ va chạm mạnh như bóng đá, đua xe đạp, trượt ván, bóng rổ, bóng bầu dục…

Sau một tai nạn hay một chấn thương, người bệnh sẽ cảm thấy đột ngột xuất hiện những triệu chứng:

Đau khu trú tại vùng vai sau tai nạn
Sưng phồng tại vùng vai, hõm xương vai và có dấu hiệu tím bầm
Cảm giác cứng nhắc, khó khăn để vận động vai
Có tiếng rắc, cọ xương khi bạn cố vận động vai
Có thể nhìn thấy đầu xương đòn di lệch đẩy lồi ra da.

Việc trì hoãn hay tự chẩn đoán và điều trị sai cách có thể để lại các di chứng nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, nếu gãy xương đòn kèm biến chứng mà không được phát hiện sớm có thể để lại các biến chứng nguy hiểm:

Không liền được xương.
Tổn thương bó mạch dưới đòn, đám rối thần kinh cánh tay.
Viêm thoái hóa khớp cùng vai đòn.
Tràn máu, tràn khí màng phổi.
Nhiễm trùng, viêm da kích ứng, gãy dụng cụ kết hợp xương

2.3. Trật khớp

Khớp là nơi liên kết các đầu xương để tạo thành một cấu trúc tổng thể, cho phép cơ thể chuyển động linh hoạt. Phân loại theo chức năng, khớp có 3 loại: Khớp bất động (như khớp giữa các xương sọ), khớp bán động (như khớp đốt sống), khớp động hay khớp hoạt dịch (phổ biến ở các chi).

Trật khớp hay sai khớp là sự di chuyển bất thường giữa các đầu xương làm cho các mặt khớp bị lệch khỏi vị trí bình thường. Trật khớp có thể xảy ra ở hầu hết các khớp, nhưng thường gặp nhất ở các khớp hoạt dịch.

Trong các loại khớp bị trật thì trật khớp vai là phổ biến nhất. Dấu hiệu thường gặp là hõm khớp rỗng, cần nắn trật và cố định vai bằng áo Desalt khoảng 3 – 4 tuần. Nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách, chấn thương có thể dẫn đến các biến chứng như tầm vận của vai bị hạn chế,sai lệch khớp xương bả vai tái diễn, cứng khớp vai…

Ngoài ra còn có trật khớp cùng đòn, trật khớp cổ tay, trật khớp vùng bàn, ngón tay, trật khớp háng, trật khớp bánh chè, cổ chân, trật khớp thái dương hàm…

Nguyên nhân gây trật khớp thường do tai nạn trong khi chơi, luyện tập các môn thể thao bóng chuyền, bóng đã, trượt ván, tai nạn giao thông, tai nạn lao động…

Khi bị trật khớp bạn sẽ thấy đau, giảm hoặc mất vận động ở khớp. Hõm khớp bị rỗng. Da tại vùng khớp bầm tím, sưng nề… Khi bị trật khớp bạn nên bất động, cần gặp bác sĩ kịp thời để được nắn chỉnh, điều trị bằng nhiều phương pháp. Vì biến chứng của trật khớp sẽ gây tàn phế, mất chức năng chi vĩnh viễn, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Khi bị trật khớp bạn sẽ thấy đau, giảm hoặc mất vận động ở khớp.

3. Các biện pháp phòng ngừa chấn thương ở môn thể thao đối kháng

Chơi thể thao rất có lợi cho sức khỏe. Thế nhưng nếu không biết cách, biết luật và chơi gắng sức thì rất có thể bạn gặp những chấn thương không đáng có. Vậy bạn nên lưu ý:

Phải khởi động cơ thể trước khi chơi thể thao.
Mặc đồ, quần áo bảo hộ khi tham gia
Đảm bảo quy trình an toàn lao động
Chơi thể thao với tinh thần lành mạnh, tôn trọng đối thủ, tránh gây chấn thương cho đối thủ.
Học và tìm hiểu cách sơ cứu tại chỗ các chấn thương cơ bản nhất.
Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.Thực phẩm phù hợp với môn thể thao đang chơi hoặc theo đuổi.

BS. Trần Tùng

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//3-chan-thuong-hay-gap-o-mon-the-thao-doi-khang-va-cach-khac-phuc-169220508184548759.htm