Bệnh viêm da cơ địa thường xuất hiện ở trẻ nhỏ với những triệu chứng điển hình như da khô, ngứa, đỏ, nứt nẻ, sưng tấy,.. Bệnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nên cần được điều trị sớm. Nhưng làm như thế nào để có thể trị viêm da cơ địa an toàn cho trẻ nhỏ?
Tổng quan về chứng viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa ở trẻ (chàm sữa) là tình trạng da bị ngứa và ửng đỏ. Đây là bệnh về da thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở những lứa tuổi khác. Bệnh có thể tồn tại mạn tính và tái phát định kỳ ở một thời điểm nhất định nào đó. Tình trạng này có thể đi kèm với hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng.
Biểu hiện của bệnh ở trẻ em thường là da khô, hay phát ban đỏ ở mặt, da đầu, cánh tay, chân hoặc vùng sau tai. Một vài trường hợp đặc biệt, ban có thể xuất hiện ở toàn bộ cơ thể trẻ. Ban thường đi kèm với triệu chứng ngứa, thậm chí khiến trẻ mất ngủ vào ban đêm.
Hiện nay, việc điều trị dứt điểm viêm da cơ địa vẫn chưa tìm được giải pháp. Tuy nhiên, các phương pháp trị liệu cũng như chế độ chăm sóc, sinh hoạt, thành phần thuốc có thể giúp giảm ngứa và ngăn ngừa viêm da cơ địa tái phát.
Những thành phần nào thường được sử dụng để điều trị viêm da cơ địa
Có đến 20% trẻ em ở các nước phát triển bị ảnh hưởng viêm da cơ địa (theo MSD Manual, phiên bản dành cho chuyên gia) và hiện nay chưa có phương pháp nào hiệu quả, giúp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, tùy theo sự thích ứng trong cơ thể mỗi người sẽ có những thành phần dược phẩm ngăn ngừa, làm giảm triệu chứng ngay tại nhà.
- Thuốc dưỡng ẩm giúp tăng cường độ ẩm và giữ ẩm cho da bé.
- Dùng thuốc bôi có chứa corticosteroid theo chỉ định thời gian và liều dùng của bác sĩ để hạn chế bệnh tái phát.
- Sử dụng thuốc kháng sinh dạng bôi hoặc uống để chống tình trạng nhiễm tụ cầu.
- Đặc biệt, thành phần kháng Histamin giúp chống dị ứng và chống ngứa.
- Các thuốc chống viêm khác dùng thay thế corticosteroid như tacrolimus. Thành phần này không gây các tác dụng phụ đáng lo ngại như corticosteroid và có thể dùng lâu dài.
- Thuốc mỡ chứa Tacrolimus: ức chế miễn dịch tại chỗ, giúp giảm triệu chứng viêm da cơ địa, an toàn cho trẻ em trên 2 tuổi với nồng độ thấp.
Điều trị viêm da cơ địa cần cẩn trọng, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài việc sử dụng đúng và đầy đủ liều lượng các loại thuốc được kê toa, các bậc phụ huynh vẫn cần phải lưu ý các vấn đề về môi trường sống để hạn chế khả năng kích ứng các cơn bùng phát cho trẻ nhỏ.
Cách trị viêm da cơ địa an toàn cho trẻ nhỏ
Nhiều phụ huynh quan tâm nguyên nhân trẻ bị viêm da cơ địa và cách điều trị như thế nào để có thể giảm viêm, ngứa và ngăn chặn bệnh tái phát. Một số điểm cần lưu ý để ngăn ngừa bệnh tái phát, giảm thiểu tình trạng khô da như:
- Dưỡng ẩm da ít nhất 2 lần/ngày bằng dung dịch, mỡ hoặc kem dưỡng ẩm.
- Tránh để mồ hôi ra quá nhiều, da quá ẩm ướt.
- Hạn chế cho trẻ mắc viêm da cơ địa ăn các loại thực phẩm: trứng, sữa, đậu nành và lúa mì. Cần lưu ý để phát hiện các tác nhân gây dị ứng và tránh sử dụng chúng.
- Nên tắm trong khoảng 10 đến 15 phút, dùng nước ấm, thay vì nước nóng
- Sử dụng xà phòng dịu nhẹ: không nên dùng những loại có tính tẩy rửa mạnh vì chúng làm mất lớp dầu tự nhiên của da dẫn đến khô da.
- Lau khô sau khi tắm và bôi kem dưỡng ẩm khi da trẻ vẫn còn đang ẩm ướt.
- Hạn chế cho trẻ gãi, giữ vệ sinh tay cho trẻ sạch sẽ.
- Bảo đảm quần áo luôn thoáng mát, không dính mồ hôi nhiều. Khi trời lạnh và khô, cần dưỡng ẩm da. Uống đủ nước.
- Băng ướt hoặc kem trị viêm da cơ địa: rất hữu ích cho các thương tổn nặng, dày và tái phát.
Hiện nay, viêm da cơ địa chưa có phác đồ trị liệu dứt điểm. Điều quan trọng là nên thăm khám và điều trị viêm da cơ địa sớm để hạn chế những triệu chứng nặng cho trẻ.
Nguồn: http://giadinh.net.vn/tri-viem-da-co-dia-an-toan-cho-tre-nho-172220330130402001.htm