Sai lầm thường gặp ở người bệnh hen suyễn khi điều trị tại nhà

ngày 05/04/2022

Hen suyễn là một bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trên thực tế, nhiều người bệnh thường chủ quan, khiến tình trạng bệnh tái phát và nguy hiểm đến tính mạng.

Dưới đây là một số sai lầm thường gặp của người bệnh hen suyễn khi điều trị tại nhà.

1. Tự mua thuốc điều trị hen suyễn mà không đi khám

Bệnh hen hoàn toàn có thể được điều trị và kiểm soát tốt khi tuân thủ dùng thuốc tốt. Nghĩa là người bệnh có thể trở về cuộc sống bình thường như một người không có bệnh.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn còn quan niệm sai lầm khi điều trị bệnh hen phế quản. Một số bệnh nhân tự chẩn đoán mình bị hen vì thấy triệu chứng ho, khò khè giống với những người đã được chẩn đoán hen phế quản nên họ tự ý mua thuốc corticoid về điều trị, mà không biết rằng thuốc này rất độc hại nếu sử dụng bừa bãi.

Một số loại thuốc chỉ được sử dụng điều trị cắt cơn, nhưng người bệnh lại lấy thuốc đó làm cách điều trị chính. Điều đó có thể khiến họ bị nhờn thuốc, thuốc sẽ không còn hiệu quả nữa.

Có rất nhiều bệnh lý khác cũng có triệu chứng ho, khò khè, tức ngực như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dị vật phế quản, lao phế quản... Do đó, khi có triệu chứng ho, khò khè, người bệnh nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán xác định qua thăm khám và xét nghiệm.

Hen suyễn là một bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến.

2. Tự bỏ thuốc, giảm liều sau nhiều năm điều trị bệnh hen suyễn

Ngay cả ở những người đã được chẩn đoán xác định bệnh hen và điều trị, người bệnh cũng không tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc mà tự ý giảm liều hoặc ngưng thuốc khi thấy khỏe mạnh, không có cơn hen xuất hiện.

Có những giai đoạn của bệnh hen có biểu hiện rất tốt: Người bệnh không còn cảm giác khó thở mệt mỏi nữa. Nhiều người tưởng rằng bệnh đã hết rồi, không đi tái khám và bỏ thuốc. Khi vô tình hít phải một tác nhân kích thích, họ sẽ bị khó thở và phải nhập viện cấp cứu.

Trên thực tế, bệnh hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính của đường thở và tình trạng viêm này luôn tồn tại với mức độ ít hay nhiều, ngay cả khi người bệnh thấy khỏe mạnh.

Khi người bệnh tiếp xúc với yếu tố đặc biệt như khói bụi, hóa chất, thức ăn, thuốc men, lông thú, phấn hoa... thì hiện tượng viêm sẽ tăng lên, làm đường thở bị hẹp lại khiến người bệnh cảm thấy tức ngực, khó thở, ho, khò khè...

Nhiều người bệnh tự giảm liều vì cho nghĩ rằng thuốc này nhiều tác dụng phụ nên không còn tuân thủ liều dùng của bác sĩ. Tuy nhiên, việc giảm bớt thuốc có thể khiến cho triệu chứng không được ổn định. Quan trọng hơn, đó là mức độ viêm của đường thở (cơ chế của bệnh hen) vẫn còn. Tiến triển của bệnh sẽ ngày càng nặng, sau này chữa trị cho người bệnh sẽ rất khó, vì ngay từ đầu không khống chế bệnh tốt.

Một sai lầm người bệnh hen suyễn thường hay mắc phải là uống thuốc theo mách bảo.

3. Uống thuốc hen suyễn theo mách bảo

Một sai lầm người bệnh thường hay mắc phải là uống thuốc theo mách bảo, theo các trang mạng xã hội, các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp truyền miệng giúp chữa trị bệnh hen.

Nghe quảng cáo hấp dẫn cộng với việc đã thử qua nhiều loại thuốc chữa bệnh vẫn không khỏi, nhiều người đã không ngần ngại tự mua thuốc về uống.

Những sản phẩm này khi mới dùng người bệnh thấy khỏe hơn, ăn uống cảm thấy ngon miệng và bớt khó thở. Tuy nhiên, không ít người bệnh uống lá cây hoặc uống một số loại thuốc để trị hen, khi đến phòng khám đã phát hiện họ bị hội chứng Cushing, do trong các thuốc này có chứa corticoid, gây phù (do cơ thể giữ nước), tăng đường huyết, loét dạ dày, loãng xương…

Một số người đang điều trị ổn định bỗng chuyển sang phương pháp 'mách bảo' không chính thống này đã không hiệu quả, làm bệnh hen trở nặng hơn và khi người bệnh quay lại khám bác sĩ, việc khống chế bệnh hen sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, do sử dụng thuốc nam theo quảng cáo, không màng đến xuất xứ, nguồn gốc của thuốc, tay nghề chữa bệnh của thầy thuốc được cấp chứng chỉ hay không, chỉ chăm chăm tin vào thầy thuốc online với những mỹ từ ca tụng, nhiều người phải nhập viện thậm chí suýt tử vong do suy gan, suy thận.

Bệnh hen suyễn hoàn toàn có thể được điều trị và kiểm soát tốt với các loại thuốc an toàn.

4. Xịt thuốc cắt cơn không đúng cách, dùng chung bình xịt hen

Nhiều người bệnh thường thắc mắc dù đã xịt thuốc cắt cơn hen mà vẫn khó thở. Đây là thực tế gặp rất nhiều tại phòng khám, nguyên nhân chính là do xịt thuốc không đúng.

Thuốc xịt tương đối an toàn, ít tác dụng phụ và có hiệu quả cao, nhưng kỹ năng xịt thuốc khó hơn uống thuốc. Thuốc uống đa phần người bệnh uống đúng hết, khó có người uống sai. Còn với thuốc xịt, nhiều người tưởng rằng mình xịt thuốc đã đúng nhưng thực ra là sai. Vì vậy, bác sĩ thường đề nghị người bệnh đem chai thuốc xịt theo, xịt tại phòng khám để bác sĩ xem đúng cách hay chưa.

Nếu xịt không đúng có thể gây tác dụng phụ ở vùng họng: Bị khàn tiếng hoặc người bệnh tưởng đó là do bệnh lý khác... Ngoài ra, nhiều người trong nhà dùng chung bình xịt hen, điều này dẫn đến mầm bệnh lây từ người này sang người khác.

Cần phải nhớ rằng dụng cụ xịt là dụng cụ cá nhân, bệnh hen có tính chất gia đình, nên trong nhà có thể có nhiều người mắc bệnh hen. Nếu dùng chung bình xịt là không tốt bởi vì khi ngậm trong miệng, miệng chúng ta có thể chứa mầm bệnh truyền từ người này sang người khác.

Bệnh hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường thở, thời gian điều trị có thể kéo dài hàng năm và thuốc sử dụng là thuốc chống viêm corticoid kết hợp với thuốc dãn phế quản áp dụng kéo dài.

Ngày nay, có loại thuốc được sử dụng dưới dạng hít qua đường miệng để đến phổi nên rất hiệu quả và an toàn, liều lượng sử dụng dựa trên mức độ của bệnh và sẽ được giảm đi mỗi 3 - 5 tháng khi bệnh hen được kiểm soát tốt. Do đó, người bệnh nên đi khám chuyên khoa hô hấp để được hướng dẫn điều trị và tư vấn về bệnh hen.

Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc, thay đổi liều, dùng thuốc theo mách bảo mà cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ.

Để kiểm soát tốt bệnh hen, cần thực hiện những điều sau theo sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa:

Nhận biết và tránh tiếp xúc với các yếu tố gây lên cơn hen.
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Dùng thuốc xịt đúng kỹ thuật.
Nhận biết triệu chứng hen khi trở nặng và báo cho bác sĩ.
Biết cách xử trí cơn hen cấp.
Theo dõi định kỳ sau khi triệu chứng hen được kiểm soát.

Hiện nay, chưa có loại thuốc hay phương pháp nào chữa khỏi hẳn bệnh hen. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát triệt để bệnh hen. Khi bệnh hen được kiểm soát tốt nghĩa là bạn không còn lên cơn hen hoặc thỉnh thoảng mới lên cơn nhưng nhẹ, có thể sinh hoạt, làm việc, học tập, vui chơi như người bình thường, tối có thể ngủ yên giấc vì không còn triệu chứng hen.

TS BS. Nguyễn Như Vinh

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//sai-lam-thuong-gap-o-nguoi-benh-hen-suyen-khi-dieu-tri-tai-nha-169220403183234689.htm