Mệt mỏi, phù mặt đi khám ra suy thận: Bác sĩ chỉ ra dấu hiệu cần nhớ

ngày 08/06/2020

Tưởng mệt mỏi càng tẩm bổ lại ra suy thận

Anh Nguyễn V. C. 29 tuổi, quê Nam Định, đang chạy thận tại BV Bạch Mai tâm sự anh bị suy thận phải chạy thận nhân tạo 3 năm nay. Ban đầu C. không biết mình bị bệnh gì, mỗi lần đi làm về thấy người mệt mỏi, hoa mắt. Thấy mệt, mẹ anh C. lại mua các thực phẩm ngon để bổ sung sức khỏe.

Anh C., ngại đi khám vì bận công việc. Lần đó xuống Bắc Giang gặp khách hàng, về anh thấy người mệt và phù ở chân. Bạn bè lại bảo do anh đi nhiều nhưng theo dõi không đỡ nên anh tới bệnh viện khám. Khi tới bệnh viện khám thì thận đã suy sang giai đoạn 3. Dù điều trị bảo tồn nhưng chỉ được 1 năm là bệnh chuyển sang giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ. Đến nay, anh C. vẫn lọc máu hàng tuần 3 lần, những lúc không phải lọc thận anh lại vào công ty làm.

Anh C. đang chờ thận để ghép. Bố anh đã chuẩn bị để hiến tặng thận cho con trai. Tuy nhiên, bố anh C. lại bị bệnh tăng huyết áp nên anh không muốn bố phải hi sinh cho mình. Gia đình anh vẫn tiếp tục chờ nguồn hiến thận.

Anh C. kể do anh chủ quan, thấy mệt lại càng tẩm bổ hơn. Khi đi khám bác sĩ tư vấn cho biết vì tẩm bổ nhiều quá thận càng "quá tải" và chuyển sang suy thận nhanh hơn.

Suy thận có suy thận cấp và suy thận mãn tính. Suy thận cấp diễn ra trong vòng vài ngày và có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận sau khi được điều trị thích hợp trong một vài tuần.

Còn suy thận mãn tính là quá trình tiến triển không phục hồi chức năng thận. Các biện pháp điều trị trong suy thận mạn chỉ nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Người bệnh phải lọc thận nhân tạo hoặc thay thận.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Nông Nghiệp, Hà Nội

Dấu hiệu của bệnh

Một báo cáo của Mỹ cho thấy, 16,8% người trưởng thành (từ 20 tuổi trở lên) mắc bệnh thận mạn, hơn 500.000 bệnh nhân (BN) điều trị thận suy bằng lọc máu và ghép thận. Tỉ lệ hiện hành của bệnh nhân bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối (ESRD) ở Mỹ đang tăng lên, trong khi tỉ lệ mắc mới khá ổn định, điều đó cho thấy lượng bệnh nhân ESRD tăng lên chủ yếu do tuổi thọ của các bệnh nhân này ngày càng cao.

Theo thống kê của Hội thận học thế giới cũng như tại Việt Nam, tỉ lệ bệnh thận mạn trong cộng đồng là 13%, nghĩa là cứ 10 người dân sẽ có 1 người bị bệnh thận mạn.

Hàng năm, phòng khám Nội thận Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận hơn 30.000 lượt người đến khám và số lượng tăng 30% qua các năm.

Theo ThS BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo – Trưởng khoa Nội thận – Thận nhân tạo BV ĐHYD, cho biết, bệnh thận ngày càng phổ biến trong cộng đồng, trong khi nhận thức của người dân về vấn đề này chưa cao. Bệnh nhân không rõ bệnh nên thường đến khám khi bệnh đã muộn. Nhiều người trẻ vẫn đi làm bình thường, thấy mệt mỏi đi khám đã ra giai đoạn cuối.

Bác sĩ Thảo cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh thận mạn là do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường. Tiến triển của bệnh thận mạn tính nặng dần, làm mất chức năng thận và người bệnh phải dùng các biện pháp điều trị thay thế.

ThS Thảo cho biết thêm, việc điều trị bệnh thận cần được tiến hành sớm và đúng phương pháp.

Những người có nguy cơ bị bệnh thận đó là tăng huyết áp, đái tháo đường, người lớn tuổi, dùng thuốc giảm đau kéo dài, lúc nhỏ sinh non nhẹ cân, có một thận duy nhất, sỏi thận, nhiễm khuẩn niệu tái phát nhiều lần, gia đình có người bị bệnh thận…

Theo bác sĩ Thảo, khi người có các dấu hiệu sau người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế kiểm tra.

Thứ nhất, phù mặt, tay chân

Thứ hai, tiểu ít hơn thường ngày, nước tiểu có nhiều bọt, da xanh xao…

Tuy nhiên, phần lớn người bệnh không có triệu chứng gì cho đến khi bệnh trở nặng. Vì vậy, việc khám kiểm tra thận nên thực hiện hàng năm. Có thể thực hiện bộ ba xét nghiệm bao gồm thử máu đánh giá chức năng thận, siêu âm thận, tổng phân tích nước tiểu, để có kế hoạch điều trị sớm, nhất là những người có nguy cơ mắc bệnh như trên.


Nguồn: Báo Infonet